"Đồ thị Dunning-Kruger mô tả sự thay đổi mức độ tự tin trong quá trình tích lũy kinh nghiệm. Với trục đứng là Confidence (sự tự tin), trục ngang là Competence (năng lực) hoặc Experience (kinh nghiệm).

Đồ thị Dunning-Kruger

Đồ thị đi từ trái sang phải, theo đó, khi chưa có chút kinh nghiệm nào, chúng ta hoàn toàn không có tự tin. Lấy ví dụ về Triết học đi, bạn chưa từng nghiên cứu về nó. Khi người khác tranh luận các phạm trù Triết học, bạn chỉ có thể câm nín!

Rồi ngay khi có được một chút xíu kinh nghiệm, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng tự tin, như thể đã là bậc thầy. Đây là giai đoạn ngộ nhận về năng lực bản thân. Bạn mới đọc "Câu chuyện Triết học của Will Durant", nghe tác giả giới thiệu sơ sơ về Aristote, Platon... rồi Spencer, Kant... Bạn cảm thấy tràn đầy tự tin, bắt đầu nổ và chém gió như một triết gia thực thụ.

Tuy nhiên, dần dần chúng ta nhận ra có quá nhiều thứ mình còn chưa biết. Nào là triết học phương Đông, chủ nghĩa Hiện sinh, Siêu hình, nhất/nhị nguyên luận, Mỹ học, Chân lý tuyệt tối... Sự tự tin của chúng ta thấp dần xuống đến mức độ tự ti. Bạn bắt đầu nhận ra càng học càng dốt, hoặc bạn sẽ thốt lên như Socrate: "Tôi biết rằng tôi không biết gì cả". Đây là giai đoạn dễ nảy sinh chán nản và bỏ cuộc. Có lẽ tôi không phải sinh ra để chơi nhạc/vẽ tranh/làm khoa học..., tôi phải tìm thứ khác phù hợp hơn/dễ hơn...

Nhưng nếu bạn vượt qua được điểm cực tiểu này để tiếp tục theo đuổi con đường đã chọn, bạn sẽ dần lấy lại được niềm tin. Bạn sẽ thấy biển học là vô cùng, càng đi sâu nghiên cứu tìm tòi, càng phát hiện nhiều điều mới lạ. Bạn gặp Lão Tử, Trang Tử, lại gặp Locke, Mill, Krishnamurty... Vô số tư tưởng lý thú. Sự tự tin sẽ cao lên dần cùng với chuyên môn của bạn.

Chu ý là đồ thị sẽ không bao giờ lên được 100% như hồi “sửu nhi”. Vì bạn đã hiểu rõ, luôn có những thứ kỳ diệu hơn nữa ở phía sau đang chờ bạn khám phá. Vậy nên có câu: "Biết rằng mình không biết mới gọi là biết".

Đồ thị Dunning-Kruger là một phần của Hiệu ứng Dunning-Kruger, do 2 thầy trò Dunning và Kruger tìm ra. Nó có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục và tự nhận thức. Hãy thường xuyên quan sát nó và đối chiếu với bản thân. Nếu bạn đang thấy mình là vĩ nhân về cái gì đó, hãy cẩn thận. Nếu bạn đang nản chí, sắp từ bỏ một nghề nghiệp nào đó, coi chừng bạn đang ở đáy của đồ thị Dunning-Kruger. Hãy cố gắng vượt qua nhé!"