Dịch từ “A New Way Of Thinking About White Space“, Addison Duvall

Cứ thử hỏi bất kỳ web designer nào, họ sẽ nói cho bạn nghe về "white space" theo cách riêng của họ. Những ưu điểm đã được các designer hâm mộ Chủ nghĩa Tối giản tận dụng một cách rộng rãi trong các trang web họ thiết kế. "Càng ít càng nhiều", câu cửa miệng của họ, đang dẫn đến việc loại bỏ đi mọi thứ không đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng một cách tức thời và có chủ đích.

Nguồn: dribbble.com

Trong bối cảnh ấy, "khoảng trắng" nổi lên như một triết lý thiết kế, bằng thứ mật ngôn sáng sủa và tao nhã, hiện hữu như thánh tích trên một thiết kế web hướng chức năng. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ở đây đó vẫn có một số designer không thực sự hiểu thế nào là "white space" đúng nghĩa, thậm chí cố diễn giải nó theo những cách thức hầu như nằm ngoài khái niệm.

Sự thật về "khoảng trắng"

Các họa sĩ thời kỳ cận đại là những bậc thầy về "khoảng trắng" khi thể hiện ý tưởng căn bản bằng chì hay cọ trên vải canvas. Họ loại bỏ tất cả mọi thứ không cần thiết. Nếu bạn xem các bản phác họa của Miró, Kandinsky, Mondrian, đặc biệt là Picasso, bạn sẽ thấy sự điều tiết các mảng khối là đặc thù trong tác phẩm của họ.

Khái niệm về "khoảng trắng", như một nét tiêu biểu đáng kỳ vọng trong thiết kế Tây phương (xét trên tương quan đối lập với cách sử dụng khoảng trắng chỉ nhằm làm nổi bật tính hoa mỹ) đã hình thành ngay từ nửa đầu của thế kỷ XX, ở cao trào của Chủ nghĩa Hiện đại. Các nghệ sĩ và các nhà thiết kế của trường Bauhaus (Đức) thời bấy giờ tập hợp nhau dưới một quan điểm mới về Chủ nghĩa Tối giản và đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng như thiết kế ra mắt sau đó. Các chuyên ngành sáng tạo ngày nay cũng còn tiếp tục bị tác động.

Nguồn: thefactoryhair.com

Phương Tây đã ủng hộ khá mạnh mẽ Chủ nghĩa Tối giản trong nghệ thuật và thiết kế từ cuối thế kỷ XX hoặc khoảng đó, nhưng thành tựu rõ rệt nhất của nó là việc chỉ ra rằng nghệ thuật và thiết kế phương Đông, đặc biệt là nghệ thuật và kiến trúc Á Đông, đã khám phá ra cùng một khái niệm này từ hàng trăm năm trước.

Steven Jobs, bộ óc của Apple, đã chịu ảnh hưởng nặng bởi cả Mỹ học Bauhaus Đức lẫn cách mà người Nhật giản lược về hình thức trong khi mở rộng tối đa các khoảng trắng.

Khoảng trắng là trắng?

Khoảng trắng trong cách hiểu của tôi đơn giản là sự thiếu vắng các thành phần thiết kế. Nhiều người khi nghe thấy từ "khoảng trắng" thường hiểu theo cách văn chương : a.) màu trắng, b.) khoảng trống.

Trong hoàn cảnh thông thường, điều đó thì đúng. Hầu hết mọi lúc bạn đều có thể tạo ra những mảng khối thể hiện nội dung, phần còn lại không thể hiện nội dung nào mặc nhiên là "khoảng trắng".

Ví dụ hình ảnh được làm nhòa đi dưới đây là một trang web sử dụng hình nền phía sau, xét theo cách định nghĩa thoáng như trên, phần nền vẫn có thể được xem là khoảng trắng dù rằng nó không phải màu trắng và không hề có khoảng trống. Tóm lại, nó không phải là phần tiếp nhận tác động từ các chức năng của website. Nó không đòi hỏi bất cứ điều gì từ người sử dụng.

Nguồn: dribbble.com

Bạn có thể liếc qua phần nền mờ ảo, nó vẫn đem lại cảm giác như nhìn vào một vùng trống tự nhiên.

Đòi lại các khoảng trắng

Giao tiếp là mục tiêu căn bản của mọi thiết kế. Khi bạn tham gia vào quá trình thiết kế, bạn đang quyết định cách nói chuyện hiệu quả nhất với người xem. Những chi tiết phù phiếm chẳng thể giúp bạn đến gần mục tiêu đó. Thách thức cố hữu trong thiết kế chuyên nghiệp là luôn phải nghĩ tới việc làm sao để đạt được nhiều hơn với ít thứ hơn.

Thêm thành phần, bớt khoảng trống

Như một thói quen tự nhiên, con người có xu hướng lấp đầy các khoảng trống bằng đủ thứ lộn xộn.Hãy hình dung một gara bừa bãi, hay một gian phòng trong nhà bạn đã luôn cần được thu dọn. Lần đầu bạn chuyển đến ngôi nhà của bạn, căn phòng ấy rất trống trải. Bạn không tạo ra khoảng trống - nó vốn đã hiện diện ở đó từ trước. Trong quá trình sống thường nhật, bạn làm mất dần các khoảng trống mà bạn có trong phòng. Điều tương tự cũng xảy ra với các thiết kế nếu chúng ta không cẩn thận.

Như thế, khoảng trắng không phải là một cái gì đó bạn mang từ bên ngoài vào thiết kế. Nó phải là thứ được tạo ra, hoặc góp nhặt từ chính những gì bạn đặt lên giao diện. Nó phải được khám phá theo một mạch tình tiết ly kỳ như trong các tiểu thuyết trinh thám, phải nhẹ nhàng xoa dịu và rồi chiếu rọi, lấp đầy tâm trí người xem bằng sự tôn nghiêm tĩnh lặng của Thiền.

Đi tìm khoảng trắng

Trong giới ẩm thực, nước cốt là loại nước (thường đặc sệt) được tạo ra khi người đầu bếp cho vào nồi nhiều loại thành phần khác nhau và đun nhỏ lửa giờ này qua giờ khác. Công việc này gợi cho tôi những liên tưởng đến việc thiết kế khoảng trắng. Như thể tôi đang khám phá hương vị thơm lừng của nước sốt trên màn hình máy tính, sau hàng giờ "đun nhỏ lửa" các thành phần thiết kế khác nhau.

Được rồi, có lẽ tôi thật bé nhỏ trong tình yêu dành cho các khoảng trắng, nhưng kết quả cuối cùng là khoảng trắng vẫn chưa từng xuất hiện. Như mọi designers, tôi chủ tâm quyết đi tìm bằng được nó.

Vẽ lại sự trống rỗng

Một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để phát triển "thế mạnh về khoảng trắng" của bạn đó là luôn giữ bên mình một cuốn sổ tay để vẽ phác họa. Tôi biết, tôi biết rằng bạn vẽ không đẹp, và lỡ ai đó tình cờ thấy một trong những hình vẽ nguệch ngoạc của bạn thì sao? Bạn cứ thoải mái đi. Chẳng sao hết. Phác họa, trong ngữ cảnh thiết kế, chẳng qua một cách trang bị cho toàn bộ năng lực khai phá.

Theo tôi nghĩ, việc đào xới ý tưởng bằng cách vẽ tay đặt cạnh các giải pháp khả dĩ khác cũng giống như đem so một điệp viên sừng sỏ với một anh chàng thám tử nghiệp dư. Đó là bí mật để giản lược thiết kế của bạn. Về phương diện cá nhân, tôi thích trả lời các câu hỏi bằng những bức phác họa. Kiểu như "nhìn thế nào nếu tôi bỏ màu này đi" hoặc "liệu tôi có thu được kết quả khả quan hơn không nếu bỏ hết cả khối ấy"... Bằng cách này hay cách khác, câu trả lời dành cho hầu hết những thắc mắc dạng "tôi có nên loại bỏ" thường là "nên".

Nguồn: art-prints - gallery.com

Thật thú vị khi thấy rằng, bạn càng vẽ ra nhiều thứ thì lại càng có nhiều thứ bỏ bớt được. Biết bao lần Picaso phải dùng tới bút chì vẽ lên giấy trước khi có thể đạt tới sự cân bằng tuyệt hảo giữa trực quan và trừu tượng. Tôi không phải là người chép tiểu sử cho Picaso, nhưng dùng toán học ước lượng cũng đủ đoán định nó phải là "hằng hà sa số lần".

Quay về với những chức năng

Sinh viên Bauhaus chính thống đã theo đuổi những khái niệm tương tự như tối thiểu hóa không chỉ trong tác phẩm của họ, mà còn là một phần tư tưởng. Người sáng lập Bauhaus, kiến trúc sư Walter Gropius, đã giúp mở đường cho triết lý "hình thức phục tùng chức năng" trong ngành kiến trúc và thiết kế hiện đại, chủ yếu nhờ sự nhìn nhận ra cái đẹp trong những chức năng hữu ích đơn giản của vật thể.

Lời kết

Khoảng trắng là thứ thiên về khái niệm hơn là một quy luật cứng nhắc và bất di bất dịch. Tóm lại, nó chỉ đơn thuần là khoảng trống bất hoạt trong thiết kế và đem lại sự bình lặng về mặt tâm lý cho người xem. Đây không phải là một bài hướng dẫn. Hãy dùng khả năng phán đoán tốt nhất của bạn, không ngớt thực hành và nâng cao sự thấu hiểu của chính bạn với khoảng trắng.