Dẫn nhập
Một trong những thách thức với người mới tập piano hoặc keyboard là phải ghi nhớ:
- các nốt (notes) trong hợp âm (chords)
- các hợp âm trong âm giai (scales)
Vì vậy tôi làm một tool nhỏ để tự giúp mình vượt qua thử thách đó. Đây là kết quả sau khi mày mò tìm hiểu các lý thuyết liên quan:

Với công cụ này, khi tập chơi 1 bài hát, người học chỉ việc xác định âm giai của bài, rồi chọn trên giao diện ứng dụng để xem các hợp âm tự nhiên thuộc âm giai đó. Di chuột lên các hợp âm để xem các phím trên đàn, hoặc nhấn chuột lên để nghe thử... Phiên bản sau sẽ lần lượt bổ sung thêm các hợp âm Dim, hợp âm 7, hợp âm sus... và hiển thị dãy nốt trên khuôn nhạc.
Việc lập trình tính toán các hợp âm và âm giai dựa trên hai nguyên tắc:
- làm thế nào tạo ra hợp âm trưởng (major) và thứ (minor)
- làm thế nào sử dụng vòng tròn bậc 5 (circle of fifths) và bậc 4 để tìm các hợp âm thuộc một âm giai
Sau đây là các ghi chú trong quá trình nghiên cứu tư liệu, đã giản lược.
Quãng (intervals) và cung (steps)
Trên đàn piano, không phân biệt đen trắng, cứ 2 phím liền kề nhau tức là cách nhau một nửa cung
Trong hình dưới, D cách D# nửa cung, D# cách E nửa cung, E cách F nửa cung... Như thế suy ra D cách E một cung, cách F một cung rưỡi...
Nếu khoảng cách giữa 2 nốt là 2 cung thì ta có 1 quãng 3 trưởng; khoảng cách 1 cung rưỡi thì cho ra 1 quãng 3 thứ.
Hợp âm (chords)
Hợp âm là tổ hợp của ít nhất 3 nốt nhạc
Tên hợp âm lấy theo tên nốt nhạc đầu tiên, gọi là nốt gốc. Xây dựng hợp âm thì xây dựng từ nốt gốc lên.
Hợp âm trưởng = 1 quãng 3 trưởng + 1 quãng 3 thứ
Muốn tìm hợp âm trưởng thì từ nốt gốc tính lên 2 cung (4 phím) sẽ được nốt thứ 2 trong hợp âm, từ nốt thứ 2 tính lên 1 cung rưỡi (3 phím) sẽ được nốt thứ 3 trong hợp âm.
Ví dụ xác định các nốt trong hợp âm C (Đô trưởng) thì từ nốt Đô bất kỳ trên dãy phím đàn, tính lên đến phím thứ 4 ta có E, từ E tính lên đến phím thứ 3 ta có G. Vậy tổ hợp phím cần bấm là C + E + G:
Hợp âm thứ = 1 quãng 3 thứ + 1 quãng 3 trưởng
Muốn tìm hợp âm thứ thì từ nốt gốc tính lên 1 cung rưỡi (3 phím) sẽ được nốt thứ 2 trong hợp âm, từ nốt thứ 2 tính lên 2 cung (4 phím) sẽ được nốt thứ 3 trong hợp âm.
Ví dụ xác định các nốt trong hợp âm Cm (Đô thứ) thì từ nốt C bất kỳ trên dãy phím đàn, tính lên đến phím thứ 3 ta có E♭ (Mi giáng) (cũng là D#, Rê thăng), từ E♭ tính lên đến phím thứ 4 ta có G. Vậy tổ hợp phím cần bấm là C + E♭ + G:
Hợp âm trưởng và hợp âm thứ chỉ khác nhau vị trí nốt ở giữa, nhích lên nửa cung là trưởng, lui về nửa cung là thứ.
Hai phím đầu và cuối giữ nguyên, thường bấm bằng ngón 1 và 5. Chuyển qua lại rất đơn giản.
Âm giai (scales)
Âm giai (scale) là một chuỗi các nốt nhạc trong 1 quãng 8 có cùng tính chất hòa thanh.
Âm giai tên gì thì lấy nốt nhạc đó làm chủ âm (tonique), tính dần lên trên theo các nguyên tắc nhất định về khoảng cách cao độ (pitch).
Thuật ngữ này đôi khi cũng được dịch sang tiếng Việt là giọng hay cung. Ví dụ "The Symphony No. 4 in E minor, Op. 98" của Johannes Brahms vẫn được giới thiệu là "Giao hưởng số 4 cung Mi thứ"... Trong đời sống âm nhạc bình dân, người ta dùng từ "giọng" nhiều hơn. Chẳng hạn, bài này chơi ở giọng Rê thứ, điệu Slow Rock, tempo 54...
Giả sử khoảng cách một cung ký hiệu là W (whole), nửa cung ký hiệu là H (half), thì:
-
Âm giai trưởng là tổ hợp các nốt theo trình tự có khoảng cách W-W-H-W-W-W-H
Ví dụ âm giai Đô trưởng:
-
Âm giai thứ là tổ hợp các nốt theo trình tự có khoảng cách W-H-W-W-H-W-W
Ví dụ âm giai La thứ:
Lưu ý là trong phạm vi bài này chúng ta chỉ xét các âm giai tự nhiên (naturals), trên thực tế còn rất nhiều loại âm giai phức tạp khác nữa.
Vòng tròn bậc 5 và bậc 4
Biểu đồ sau rất quan trọng khi học đàn và làm việc với hòa âm.
Trong hình trên, thuận chiều kim đồng hồ là vòng tròn bậc 5, ngược lại là vòng tròn bậc 4.
Âm giai trưởng
Để tìm các hợp âm trong âm giai trưởng nào thì lấy vị trí của hợp âm cùng tên làm chuẩn, 2 hợp âm 2 bên chính là 2 hợp âm trưởng trong âm giai. Tính theo chiều kim đồng hồ, kể từ hợp âm chủ, các hợp âm thứ 2, thứ 3, và thứ 4 là các hợp âm thứ trong âm giai.
Ví dụ xác định các hợp âm thuộc Đô trưởng, thì lấy C làm chuẩn. Hai hợp âm bên cạnh C là F và G cũng có mặt và là hợp âm trưởng. Từ C tính theo chiều kim đồng hồ lên 3 hợp âm tiếp theo là D, E và A sẽ là 3 hợp âm thứ. Như vậy, có thể vận dụng ít nhất 6 hợp âm trong Đô trưởng là C, F, G, Dm, Em và Am.
Âm giai thứ
Để tìm các hợp âm trong âm giai thứ nào thì cũng lấy vị trí của hợp âm cùng tên làm chuẩn, 2 hợp âm 2 bên chính là 2 hợp âm thứ trong âm giai. Từ hợp âm chủ tính ngược chiều kim đồng hồ, các hợp âm thứ 2, thứ 3, và thứ 4 là các hợp âm trưởng trong âm giai.
Ví dụ xác định các hợp âm thuộc La thứ, ta lấy A làm chuẩn. Hai hợp âm bên cạnh A là D và E cũng sẽ là hợp âm thứ. Từ A tính ngược chiều kim đồng hồ lên 3 hợp âm kế tiếp gồm co G, C và F sẽ là 3 hợp âm trưởng. Như vậy, có thể vận dụng ít nhất 6 hợp âm trong La thứ là C, F, G, Dm, Em và Am.
Các hợp âm trong La thứ khá giống với Đô trưởng ở trên vì đây chỉ xét các hợp âm tự nhiên. Trong thực tế khi làm hòa âm, người ta sẽ bổ sung các hợp âm cao cấp hơn để làm rõ tính chất của âm giai. Kết hợp với tiến trình giai điệu và tiến trình hòa âm đặc trưng của mỗi âm giai thì nghe ra sẽ hoàn toàn khác.
Kết luận
Việc xác định các hợp âm, âm giai trên đàn piano không phải là khó vì chúng tuân theo quy luật âm nhạc, nên có thể đưa về công thức. Chỉ cần nhớ công thức tổng quát, rồi đem áp vào từng tình huống cụ thể là tính ra ngay được kết quả. Điều quan trọng là người tập piano phải thực hành nhiều để vận dụng cho thành thạo. Sau khi đã quen tay quen mắt rồi thì các công thức này sẽ trở nên không cần thiết nữa.
Xem thêm bản tiếng Anh: “Piano Chords” app and the principles behind it