Tôi đang đọc cuốn “Bí thư tỉnh ủy” của Vân Thảo, kết hợp xem phim. Hôm nay tới đoạn ông Kim và Đô thư ký chuẩn bị xuống Cao Sơn. Lúc này ông Côn chạy vội tới xin chữ ký. Trò chuyện qua lại vài câu, trước khi rời đi, biết ông Côn xuống Đạo Thắng, ông Kim dặn theo:

Bọn tớ đi kẻo muộn rồi. Cho tớ gửi lời thăm cô Chi và nói với cô ấy chuyển lời tớ thăm bà Quê và vợ chồng tay Tế.

Đoạn này làm tôi nao nao xúc động, ngẫm lại cái vụ “gửi lời hỏi thăm” này, cũng đến hay. Ngày xưa, người ta thường nói lời đó với nhau. Có lẽ do xa xôi cách trở, giao thông liên lạc bất tiện, nên việc gặp gỡ của các cụ rất hiếm. Thành ra, cứ có người quen chung đến thăm, là khi ra về, sẽ có lời thăm hỏi gửi đến những người ở phương xa. Người quen chung kia trở thành cầu nối, mang theo câu dặn dò ấm áp cùng với tất cả mối quan tâm của người ở nơi này đến người ở nơi kia.

Như trong câu thoại của ông Kim, có tới 2 nhịp cầu:

ông Kim → ông Côn → cô Chi → bà Quê và các con

Cứ tưởng tượng sau đó ông Côn xuống Tam Bình, nói với cô Chi:

anh Kim gửi lời hỏi thăm chị đấy. Với lại anh ấy nhờ chị chuyển lời thăm tới mẹ con bà Quê.

Cô Chi, bí thư huyện Tam Bình, chắc sẽ vui vì bí thư tỉnh nhớ đến mình. Cô sẽ nhanh chóng tìm dịp nào đó xuống thôn Gia Đạo, xã Đạo Thắng gặp bà Quê để chuyển lời của ông Kim. Và khi bà Quê cùng các con nghe được lời nhắn của ông Kim qua cô Chi, họ cũng sẽ xúc động vì ông bận rộn trăm công nghìn việc mà vẫn nhớ tới mình.

Người thời nay có khi lấy thế làm lạ. Đã sẵn điện thoại trong tay, email, mạng xã hội luôn kết nối, muốn hỏi thăm cứ việc gọi điện hoặc nhắn tin là được, vậy nên có mấy ai còn chuyển lời qua một người khác?

Ấy thế nhưng hãy chậm lại một nhịp! Để cầm điện thoại bấm số một người quen lâu ngày không gặp nào phải chuyện dễ dàng. Mình gọi có đúng lúc không, nói chuyện gì cho phải? Tin nhắn thế nào mới thích hợp? Vị thế của mình trong lòng người kia có thực sự quan trọng? Chả lẽ chỉ hỏi thăm sức khỏe rồi thôi? Hoặc nói linh tinh đủ thứ chuyện khiến người kia thêm bực? Đủ thứ băn khoăn. Không liên hệ thì tình cảm cứ nhạt dần. Mà liên hệ thì chắc gì đã tốt hơn?

Vậy nên có nhiều phương thức liên lạc với nhau không đảm bảo duy trì được mối quan hệ.

Đôi khi, chỉ một lời thăm hỏi chuyển qua người khác, vừa tự nhiên, vừa tình cờ, chẳng có gì quan trọng, ấy thế mà lại hay. Nó bảo người kia rằng, mình vẫn nhớ đến họ chứ không quên. Và khi họ nhận lời nhắn gửi, cũng vui vui trong dạ, à thế ra gã ấy vẫn nhớ tới mình. Chỉ nhẹ nhàng vậy thôi, không có gì áp lực, không có gì nghi ngại, trong tâm trí thoáng hiện lên hình ảnh đối phương, gợi lên một vài kỷ niệm. Thế mà dễ chịu biết bao nhiêu.

Người được nhờ chuyển lời thăm chắc hẳn phải là người quen chung của cả 2 bên, khi nhắc lại lời nhắn cũng nở nụ cười. Nhiệm vụ của anh ta đã xong rồi. Anh ta cũng nghĩ tới người đã nhờ cậy mình, chuẩn bị sẵn trong đầu vài ý để trả lời người trước mặt nếu được hỏi thêm. Tất nhiên rồi, sau phút giây bất ngờ, người nhận sẽ ồ lên: "Thế hả? Thật quý hóa quá! Anh Kim dạo này vẫn khỏe chứ?". "Vâng, anh ấy cứ tất bật cả ngày. Chỉ có thỉnh thoảng bị đau dạ dày thôi". "Chết thật! Để tôi xem mấy anh dưới xã có lấy được tổ ong thì gửi cho anh ấy chai mật.".

Đấy, đại loại như thế, câu chuyện sẽ dài thêm, gợi mở ra nhiều tình tiết mới, đem đến cho cả 2 những dư vị khác nhau. Và cảm giác gần gũi thân thương giữa 3 bên cứ tự nhiên mà được bồi đắp.

Cái sợi dây nối những tấm lòng một cách dung dị đơn sơ như thế này thật khó tìm được qua điện thoại, email và mạng xã hội.