VNI sau khi lên mốc 1200 vào thứ 6 tuần trước, sang thứ 2 tuần này lại tiếp tục bay lên, nhưng hôm qua đã hơi chững lại.

Tôi có hứng thú với ngành gỗ nên vẫn để ý các mã như ACG, PTB, GTA, GDT, TTF... Thời còn trẻ tôi từng làm công nhân trong 1 công ty gỗ ở Bình Dương. Do vậy, tôi có cảm tình với ngành này và hiểu được phần nào cách thức chúng hoạt động. Tuy lúc ấy chỉ là thợ phụ, không có cơ hội quan sát ở tầng quản trị, nhưng tôi tham gia vào hầu hết quy trình sản xuất.

Thoạt đầu, những cây chàm, cây thông... tươi được chở về đưa vào lò sấy, phân loại rồi cắt ngắn, chia ra từng thanh và ghép lại thành tấm lớn bằng keo, sau đó tẩm thuốc chống mối mọt, tẩy trắng, bào phẳng, chà nhẵn, đưa đi khoan tiện thành các bộ phận nhỏ, rồi vô ốc, chà nhám lần nữa, phủ sơn, chuyển sang kiểm thử, đóng gói. Cuối cùng, từng kiện hàng thành phẩm được cho lên container xuất đi.

Tôi chạy khắp xưởng, quen với các anh thợ chính ở mọi bộ phận. Đứng bên cạnh phụ việc cho các anh, tôi được khám phá đủ loại máy móc từ đơn giản đến phức tạp. Có những máy rất nguy hiểm, như máy cưa, máy bào. Hầu như tháng nào cũng có người bị cắt vào tay, mất ngón! Ngay cả máy chà nhám cũng to và dễ gây thương tích. Tôi chỉ dám đứng những chiếc máy nho nhỏ, ít nguy hiểm, như máy tiện, máy khoan, máy vô ốc.

Tôi cũng nhớ rõ cái nóng trong lò sấy, mùi thơm của gỗ thông, tiếng ồn khủng khiếp, những đống mùn cưa và dăm bào chất cao như núi. Những anh chị em công nhân đủ lứa tuổi, từ 17-18 đến 35-40, đến từ khắp các miền; hàng ngày vào xưởng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều; có khi tăng ca đến 9 hoặc 11 giờ đêm; có khi đơn hàng gấp phải chia 2 ca, mỗi ca 12 tiếng, thay nhau mà làm. Vất vả nhưng rất vui.

Dài dòng như vậy để thấy tôi cũng có trải nghiệm thực tế với ngành gỗ, ăn ngủ với nó mấy năm trời, có cái lý do để quan tâm đến các công ty trong ngành. Tôi vẫn giữ quan niệm rằng, muốn đầu tư vào ngành nào thì phải hiểu về ngành đó trước.

TTF báo lỗ 30 tỉ trong quý 2. Xem ra năng lực chèo chống của anh Tín không phải quá mạnh như tiếng tăm. Phía sau, chủ yếu vẫn là những thủ thuật xoay lật số liệu trên giấy tờ, kết hợp với tài ăn nói và các mối quan hệ. Trông vào chart của TTF từ 2021 đến nay, có thể thấy nó vẫn mang tính chất money game chứ không phản ánh giá trị thực chất.

Sự biến động giá cổ phiếu trên sàn phải hòa hợp với tiết tấu kinh doanh của doanh nghiệp. Không nhất thiết là doanh nghiệp làm ăn được thì cổ phiếu tăng, thua lỗ thì cổ phiếu giảm. Chúng không chạy cùng chiều đơn giản như vậy. Nhưng trong 1 chu kỳ dài, chúng phải có sự nhịp nhàng đồng điệu như 2 bè trong 1 bản hòa tấu. Giá cổ phiếu trên sàn là bè cao, các hoạt động kinh doanh thực tế làm nên bè trầm. Nếu 2 bè chõi nhau thì chắc chắn không ổn.

TTF có giá 1.8 vào tháng 4/2020, bật tăng lên 8.5 vào tháng 10/2020, tức là x4 lần hơn. Sang tháng 2/2021, giảm xuống 4.2, tức là chia 2. Nhưng đến tháng 4/2021 lại quay trở lại 8.5, sau đó dập dìu đến tháng 9/2021 thì bắt đầu tăng mạnh, lên tới 16.5 vào tháng 1/2022, tụt trở xuống 11.5 rồi bật mạnh lên gần 18 vào tháng 3/2022. Trụ lại đó vài ngày sang đó rơi nhanh, đến tháng 6/2022 thì chỉ còn 6.6, tức là chia 3. Hồi nhẹ vài phiên sau đó rơi tiếp về 2.9, tức là chia 2 lần nữa.

Trong thời gian này, tình hình kinh doanh của TTF không có gì đáng nói. Tập đoàn nợ nần chồng chất. Năm 2019 vẫn âm đến 897 tỷ. Đến 2020, lần đầu tiên có lợi nhuận dương 30 tỷ. Một con số khiêm tốn, nhưng có thể lý giải cho giai đoạn tăng giá cổ phiếu 2020. Còn sau đó, mọi thứ vẫn rất bết bát, các năm tiếp theo tình hình làm ăn cũng không có gì gọi là khởi sắc. Mặt trận kinh doanh của TT giống như một bà lão đang nằm chờ chết, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu lại có dáng vẻ 1 cô gái sành điệu tung tăng. Đây là sự không ăn nhịp.

Xét những vấn đề bất ổn dai dẳng của Trường Thành và cách ứng phó của HĐQT, tôi loại mã này khỏi danh sách quan tâm. Có thể sắp tới nó còn được bơm thổi chút ít, nhưng nếu không có những đột phá mạnh mẽ về mặt tổ chức thì cổ phiếu này khó tránh được nguy cơ bị hủy niêm yết trong tương lai không xa.