Trong kinh tế vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách kinh tế phải đối mặt với một tình thế nan giải, được gọi là "bộ ba bất khả thi" (Trilemma hoặc Impossible Trinity). Họ chỉ có thể đồng thời theo đuổi 2 trong 3 mục tiêu quan trọng sau đây, và buộc phải chấp nhận hy sinh mục tiêu còn lại:
- Tỷ giá hối đoái cố định
- Chính sách tiền tệ độc lập
- Tự do hóa dòng vốn
Ví dụ ở một thời điểm nhất định, NHNN phải bán bớt USD dự trữ để giảm tỷ giá VND/USD, đồng thời nới room ngoại để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng không thể mạnh tay bơm hay hút thanh khoản ra vào nền kinh tế (1).
Còn trong công nghệ, các nhà thiết kế và kiến trúc sư hệ thống phân tán cũng phải đối mặt với một "bộ ba bất khả thi" gọi là Định lý CAP (CAP Theorem). Định lý này khẳng định rằng một hệ thống phân tán chỉ có thể đảm bảo tối đa 2 trong 3 thuộc tính mong muốn sau đây cùng một lúc, và phải chấp nhận sự đánh đổi với thuộc tính còn lại:
- Consistency (C): dữ liệu trả về ở mọi servers phải luôn giống nhau
- Availability (A): luôn luôn kết nối và đáp ứng yêu cầu từ phía client
- Partition Tolerance (P): đảm bảo hoạt động ngay cả khi mất kết nối giữa các servers
Điều này dẫn tới các mô hình kiến trúc ưu tiên 2 trong 3 yếu tố như CA, AP hoặc CP (2).
Từ 2 trường hợp trên, chúng ta có thể đi đến một khái niệm chung thế này:
Bộ ba bất khả thi là khi chúng ta có 3 lựa chọn quan trọng ngang nhau, nhưng không thể có được cả 3 cùng lúc, mà chỉ có thể chọn 2 trong số đó.
Cứ như vậy mà suy rộng ra, trong cuộc sống, ta cũng sẽ bắt gặp nhiều bộ ba bất khả thi khác.
Ví dụ một chàng trai đặt ra tiêu chí chọn bạn đời phải xinh đẹp - thông minh - ngoan ngoãn. Đây là 1 bộ ba bất khả thi nổi tiếng. Rất hiếm cô gái nào xinh đẹp, thông minh mà lại chịu vâng lời bạn. Họ biết rõ giá trị của mình và có chủ kiến riêng. Những cô gái thông minh và ngoan ngoãn thì tiếc thay, thường không đẹp lắm! Nếu cô ta xinh đẹp và ngoan ngoãn thì bạn đừng kỳ vọng có thể giải thích cho cô ta về triết học Mác xít Lê nin nít. Cho nên mấy ông anh trong xưởng gỗ tôi làm hồi xưa thường nói vui là cứ tìm mấy em "xinh một tí, ngoan một tí, ngu một tí". Xinh xắn, ngoan ngoãn thì nhất rồi. Lại còn ngu ngơ dễ dụ nữa thì còn gì bằng!
Các cô gái trẻ cũng thích cặp được với những anh chàng đẹp trai - giàu có - chung thủy. Đây là 1 bộ ba bất khả thi nổi tiếng hơn nữa. Mấy thằng đẹp trai và có tiền thì nhiều gái theo lắm. Những gã có tiền mà một lòng với bạn thì tiếc thay thường là xấu trai, nói chuyện vô duyên hoặc đã già yếu không chơi bời trăng hoa gì được nữa. Còn nếu anh ta đẹp trai và thờ bạn như mẹ? Đấy có lẽ là thành phần loser, sim lõ. Với anh ta, bạn là tài sản đáng giá nhất. Nếu lỡ dính vào mấy anh này mà muốn chia tay thì nhớ phải mặc full giáp!
Khi đi mua hàng, chúng ta thích tìm những món chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá thành rẻ. Đây cũng có thể xem là một bộ ba bất khả thi. Những món đẹp mà rẻ thì thường không bền. Hàng Tàu ngày xưa là một ví dụ tiêu biểu. Hàng Tàu ngày nay thì khác rồi, có phân rõ cao, trung và hạ cấp. Những món đẹp mà bền thường khó mà rẻ được! Còn hàng bền mà rẻ thì tiếc thay, thường là dạng nồi đồng cối đá, ít chú trọng mẫu mã.
Đôi khi chúng ta tham dự vào các tình huống đàm phán, thương lượng nho nhỏ. Ví dụ gặp HR điều chỉnh lại mức lương, bàn bạc với các anh em trong nhà về việc chia tiền lo đám mừng thọ cha mẹ. Để mọi chuyện suôn sẻ, chúng ta có thể phải lựa chọn giữa các yếu tố:
- thỏa mãn tất cả các yêu cầu của mình
- đạt được kết quả một cách nhanh chóng
- duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bên
Thông thường, chúng ta sẽ phải hạ thấp các yêu cầu của mình cho xong chuyện và giữ hòa khí. Nhưng đôi lúc hăng lên, chúng ta kiên quyết đòi hỏi bằng được quyền lợi, sẵn sàng họp tới họp lui, đập bàn đập ghế.
Trong quản lý dự án cũng có một bộ ba bất khả thi gọi là Project Management Triangle. Bộ ba này gồm các yếu tố thời gian (time), chi phí (cost), và phạm vi (scope). Người quản lý dự án thường phải nỗ lực cân bằng 3 yếu tố này. Ví dụ, muốn hoàn thành tiến độ gấp rút thì buộc phải tính thêm chi phí và/hoặc cắt giảm chức năng. Trên thực tế có những khách hàng rất khó chịu, họ muốn nhiều chức năng, muốn release nhanh, nhưng lại không thích trả nhiều tiền.
Ở cấp độ quốc gia, có 1 bộ ba bất khả thi do Dani Rodrik chỉ ra rằng: trong toàn cầu hóa, Dân chủ quốc gia, chủ quyền quốc gia và hội nhập kinh tế toàn cầu là 3 yếu tố khó có thể cùng tồn tại hoàn toàn. Việc tăng cường hội nhập kinh tế có thể làm suy yếu chủ quyền quốc gia hoặc gây áp lực lên các quy trình dân chủ. Muốn hội nhập vào tiến trình toàn cầu hóa, các chính phủ phải chấp nhận thông lệ quốc tế, phải thay đổi một số lề thói ứng xử cố hữu trong nước.
Bài học rút ra ở đây là gì?
Thứ nhất, không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng trong bất cứ chuyện gì. Phải biết lựa chọn và ưu tiên những điều quan trọng nhất, phù hợp với bản thân mình nhất. Chú ý tìm các bộ 3 bất khả thi phía sau vấn đề, và chấp nhận rằng không thể có tất cả cùng lúc.
Thứ 2, khi cảm thấy đối tác của mình không như ý, người trong gia đình không sống theo cách mình trông mong, công ty hay đất nước không đi theo hướng mình muốn, thì đừng vội lên án. Hãy xem xét vấn đề một cách tổng thể toàn diện, xem mặt nào được, mặt nào chưa được. Sau đó mới đánh giá lại những mặt tốt có đáng được ưu tiên không? Những mặt chưa tốt có đáng được châm chước không? Nếu có thể thì cứ trân trọng cái phần tốt đẹp và chấp nhận những phần chưa hoàn hảo của đối phương.
Thứ 3, nếu người khác kỳ vọng quá nhiều ở mình và tỏ ra thất vọng vì mình không đáp ứng nổi thì đừng vội oán trách. Có lẽ họ chưa hiểu rõ bộ 3 bất khả thi ở nơi mình. Nên tìm cơ hội giải thích cho thông tình đạt lý. Sau đó nếu họ vẫn không chịu nổi thì thôi, hẳn là không chơi với nhau được nữa. Tôi vẫn thích kiến trúc CA hơn cả.
Bộ ba chỉ là một ước lệ. Trong thực tế cuộc sống, có thể có bộ 4, bộ 5, bộ 6... Tùy năng lực phân tích và mức độ từng trải cho phép chúng ta nhìn vấn đề nông hay sâu, hẹp hay rộng. Thế nên, không cần câu thúc về mặt số học.
Ghi chú
1, Sự đánh đổi giữa các mục tiêu này được thể hiện như sau:
- Giữ tỷ giá cố định + Tự do hóa dòng vốn → Hy sinh chính sách tiền tệ độc lập: để duy trì tỷ giá ổn định khi dòng vốn tự do di chuyển, ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp vào thị trường ngoại hối. Hành động này sẽ làm mất đi khả năng chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ để ứng phó với các vấn đề kinh tế trong nước.
- Chính sách tiền tệ độc lập + Tự do hóa dòng vốn → Chấp nhận tỷ giá biến động: nếu muốn tự do điều hành chính sách tiền tệ và cho phép dòng vốn lưu thông tự do, các nhà hoạch định chính sách phải chấp nhận sự biến động của tỷ giá hối đoái. Điều này có thể tạo ra sự bất ổn cho nền kinh tế, gây rủi ro cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các nhà đầu tư.
- Giữ tỷ giá cố định + Chính sách tiền tệ độc lập → Hạn chế tự do hóa dòng vốn: để vừa giữ được tỷ giá ổn định vừa có thể tự chủ chính sách tiền tệ, các quốc gia buộc phải kiểm soát dòng vốn. Tuy nhiên, biện pháp này có thể làm giảm tính hấp dẫn của nền kinh tế đối với nhà đầu tư nước ngoài và làm chậm quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
2, Sự đánh đổi giữa các thuộc tính này được thể hiện như sau:
- Ưu tiên Consistency và Partition Tolerance → bỏ qua Availability (Hệ thống CP): trong trường hợp phân vùng mạng, hệ thống ưu tiên duy trì tính nhất quán của dữ liệu. Có nghĩa là một số nodes có thể từ chối các yêu cầu đọc hoặc ghi cho đến khi sự phân vùng được giải quyết, để đảm bảo rằng tất cả các nodes đều có cùng một phiên bản dữ liệu khi mạng hoạt động trở lại.
- Ưu tiên Availability và Partition Tolerance → đánh đổi về Consistency (Hệ thống AP): trong trường hợp phân vùng mạng, hệ thống ưu tiên tính khả dụng, đảm bảo rằng mọi nodes vẫn phản hồi các yêu cầu. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc các nodes khác nhau có các phiên bản dữ liệu khác nhau trong một khoảng thời gian (eventual consistency). Khi sự phân vùng được giải quyết, hệ thống sẽ cố gắng đồng bộ hóa dữ liệu.
- Ưu tiên Consistency và Availability → hy sinh Partition Tolerance (Hệ thống CA): để đảm bảo cả tính nhất quán và tính khả dụng, hệ thống CA phải đảm bảo rằng tất cả các nodes luôn có thể giao tiếp với nhau. Điều này có nghĩa là hệ thống CA không thể chịu được sự phân vùng mạng. Trong thực tế rất khó xây dựng kiến trúc này, vì không thể nào đảm bảo kết nối 100% thời gian giữa các servers, cũng như không thể đảm bảo 1 server sẽ chạy liên tục không bao giờ ngừng lại.