Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hương thay màu
Chiều qua có thằng cháu sang chào trước khi về Bắc. Gọi là cháu nhưng kém tôi có 1 tuổi. Hai chú cháu ngồi chuyện trò hồi lâu rồi nó ra về. Còn lại một mình, tôi bắt đầu nghĩ vẩn vơ.
Đầu tiên là nghĩ đến những kỷ niệm xa xưa. Dạo đó thằng cháu tôi ở quê, còn tôi ở Hà Nội nên một năm chỉ được gặp nhau đôi lần vào dịp giỗ tết. Cũng vì xa xôi cách trở mà tình cảm chú cháu luôn tha thiết, như bát nước đầy - nói theo kiểu các cụ! Dù chỉ kém 1 tuổi nhưng lúc nào nó cũng "chú cháu" tử tế. Cái thằng, nhìn nó gầy gầy cao cao giống như cha nó, mà thương. Cha nó - tôi gọi bằng anh - đã mất cách đây gần chục năm rồi.
Hồi nhỏ thằng cháu tôi rất thích hát hò. Nó mơ lớn lên sẽ làm ca sĩ. Tôi nhớ mãi một lần về quê ăn tết. Năm đó mưa phùn gió bấc, trời lạnh lắm. Có buổi tối sau khi gia đình tứ đại đồng đường tụ tập đông đủ, thằng cháu tôi, khi đó mới khoảng 10 tuổi, lấy cái khăn của bà nội cuốn quanh người rồi vừa nhảy vừa hát. Mọi người xung quanh vỗ tay nhiệt liệt cổ vũ làm nó càng hăng máu, chơi một mạch hết bài này sang bài khác. Ai yêu cầu bài nào, nó hát liền bài đó. Không hiểu sao nó lại thuộc giỏi thế! Rồi bất chợt có người bảo nó hát bài "Gió Tháp Mười" (1). Thế là nó hò đúng kiểu Đồng Tháp, rồi mới vào nhịp :
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù cỏ may kia đổi hương phai màu
Dù trái tim em không trao anh được
Tỏa ngát hương tràm cho ta bên nhau...
Bài này thời những năm 1990 bấy giờ đang rất nổi tiếng với tiếng hát Kiều Hưng, thằng cháu tôi cũng tên Hưng, vậy nên từ đó mọi người phong cho nó "nghệ danh" là Kiều Hưng...
Hôm nay, gặp lại thằng Hưng giữa Sài Gòn, tôi bỗng dưng nghĩ đến nghệ sĩ Kiều Hưng.Khi tôi còn nhỏ thì hầu như ai cũng biết về ông. Tiếng hát Kiều Hưng thường được phát trên đài phát thanh với hai mảng ca khúc: những bài hát cách mạng và những bài hát mang âm hưởng dân ca. Giọng ca ngọt ngào, truyền cảm của Kiều Hưng đã từng lay động hàng triệu con tim thính giả.

Rồi tôi lớn lên, phiêu bạt, bươn chải mưu sinh, chẳng còn thời gian đâu mà nhớ đến người nghệ sĩ ấy, để bây giờ bất chợt giật mình nhận ra cái tên Kiều Hưng hình như đã biến mất khỏi nền ca nhạc nghệ thuật Việt Nam tự bao giờ. Kiều Hưng ở đâu mà im hơi lặng tiếng đến chừng ấy năm?
Để tìm câu trả lời, tôi google ông. Thì ra Kiều Hưng hiện đang sống ở Đức và giảng dạy tại trường nhạc Berlin. Vậy là ông đã xuất ngoại, đã rời Việt Nam. Thoáng một chút lo ngại, tôi tự hỏi đây có phải một vấn đề thuộc về chính trị hay là một sự phản bội giống như BK mấy năm trước? May mắn thay, không phải vậy. Kiều Hưng đã trở thành kẻ lưu vong vì một lý do hoàn toàn khác.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuộc thành phần địa chủ ở làng Thường Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (cũ, nay là Hà Tây). Mẹ ông là phận thê thiếp nên tuổi thơ của ông chẳng lấy gì làm sung sướng.Con đường sự nghiệp của Kiều Hưng cũng rất lận đận. Vì mang lý lịch con nhà địa chủ, phải khó khăn lắm ông mới được nhận vào làm hợp xướng viên của Đoàn ca múa nhạc Trung ương. Tại đó, tài năng đơn ca của ông được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện.Thế rồi Kiều Hưng lăn lộn vào chiến trường, hát phục vụ bộ đội, thương binh. Hát trên những nơi tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Đường 9 Nam Lào... Tiếp đến là quãng thời gian đi biểu diễn ở 12 nước XHCN, rồi đi học ở Nga... Đó là chặng đường gian khổ và vinh quang nhất trong đời Kiều Hưng, một người ca sĩ cách mạng.

Cuối thập niên 80, do chủ trương "trẻ hóa đội ngũ nghệ sĩ", Kiều Hưng trở thành người thất nghiệp và lại bắt đầu đi xin việc làm ở tuổi 50.Không tìm được công việc thích hợp, Kiều Hưng vào Nam, trở thành giảng viên lớp Đại học Thanh nhạc dân tộc của trường Nghệ thuật sân khấu 2 nhờ sự giúp đỡ của một người bạn học cũ.Lúc bấy giờ vợ của Kiều Hưng làm nghiên cứu sinh ở Nga. Trong một lần đưa con sang thăm vợ, ông đã được nhận vào học ở trường Đại học Văn hóa tổng hợp Matxcơva.
Ngoài giờ học, ông cùng hai vợ chồng người bạn là ông Tôn Thất Chiêm và bà Xuân Thanh đi làm thêm. Sau này họ tìm cách tham gia những cuộc thi concour âm nhạc quốc tế để có visa vào các nước biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt và kiếm thêm thu nhập.Vào năm 1994, trong chuyến đi thi concour ở Italia, họ qua Đức và tại đó, không may visa của Kiều Hưng quá hạn khiến ông bị kẹt lại ở đất nước này. Cảnh sát Munich đưa ông vào trại tị nạn và cho biết hộ chiếu của ông do bên Nga cấp nên theo luật Đức, họ chỉ có thể trả ông về Nga. Nhưng nước Nga cũng không thể tiếp nhận ông vì hộ chiếu của ông đã hết thời hiệu. Chẳng còn cách nào khác, Kiều Hưng đành phải xin tị nạn ở Đức.
Trong hơn 10 năm đó, nhiều cơ hội trở về Việt Nam của Kiều Hưng đều bị bỏ lỡ, khi thì do chính ông không nắm bắt được dịp may, khi thì do các nguyên nhân chính trị. Rốt cuộc ông vẫn sống nơi đất khách quê người mà lòng đau đáu hoài mong về cố quốc. Những bài báo viết về Kiều Hưng những năm qua đều miêu tả ông như đứa con bất hạnh tha phương, khẳng định ông chưa từng làm điều gì tổn hại đối với Tổ quốc, thậm chí còn lên tiếng kêu gọi các nhà chức trách có biện pháp giúp Kiều Hưng sớm được hồi hương.
Theo báo Tiền phong, năm 2005, Kiều Hưng đã trở lại Việt Nam nhưng có lẽ chưa về hẳn, vì mới đây, trên blog của một nhóm sinh viên Việt Nam ở Berline đã đăng tải thông báo về một show nhạc mang tên "Đêm Kiều Hưng - Kỷ niệm 50 năm ca hát".

Dù thế nào, khi biết tất cả những điều đó, tôi cũng nghe lòng nhẹ nhàng thanh thản. Nếu những thông tin trên chính xác, thì Kiều Hưng vẫn là một người nghệ sĩ chân chính, đúng như dấu ấn mà ông để lại trong lòng tôi tự thủa ấu thơ.
Chú thích:
- Đây là bài "Đi trong hương tràm" của Thuận Yến, người bà con của tôi nhớ nhầm.
- Thằng cháu tôi hát sai, đoạn này chính xác là:
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hương thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau...