Tôi đến thăm quê hương ông vua tù và nước Việt vào một sáng tháng 5 nhạt nhòa sắc nắng. Quang cảnh trữ tình của vùng Kinh Bắc trong thanh tịnh sớm mai hồ như văng vẳng tiếng tù và ngân nga thôi thúc, tiếng tù và thiên thu giục giã bước giang hồ. Chẳng biết năm trăm năm trước, trên con đường tôi đang qua, có gã trẻ trai nào nghe tiếng tù và ấy mà từ giã vợ hiền lao vào sương gió chiến chinh, lập công danh, cầu mộng vương hầu khanh tướng; có mỹ nhân khuynh quốc nào nghe tiếng tù và ấy mà từ bỏ nhung gấm lụa là, từ bỏ luôn nhu mì thục nữ, để một lần vươn đôi tay ngà ngọc nắm lấy khúc thần dương trên nước kiệu đau thương mòn mỏi ngựa hồng... Ôi, địa linh nhân kiệt là đây. Núi sông này, khí trạch này đã bồi đắp nên một nhân tài kiệt xuất như Chớp Mắt tù trưởng cũng nào có chi mà lạ.
Ngôi biệt thự của tù trưởng bao quanh bằng một bức tường cao hơn 10 mét, trên giăng lưới B40. Cổng vào đóng kín. Tôi đang loay hoay tìm nút bấm chuông thì nghe có tiếng nói đều đều vô hồn phát ra từ một thiết bị điện tử nào đó phía trên : "Chứng thực nhân dạng hoàn tất. Cửa sẽ mở sau 30 giây. Mời quý khách chuẩn bị bước vào..."
Tôi nhẩm đếm, 1...2...3... Cánh cổng sắt từ từ di chuyển về 2 phía, hé ra một khoảng vừa đủ cho một người đi qua. Theo bảng điện tử chỉ đường tiến về phía lối đi trải sỏi trắng, tôi thấy một ngôi nhà sàn bằng gỗ hiện ra sau lùm cây rậm rạp. Phía dưới cỏ mọc um tùm, mấy tên vệ sĩ trang bị súng ống và một đàn bẹc giê hơn 2 chục con lởn vởn canh chừng xung quanh, nhưng không có trở ngại nào khác với tôi. Ở cầu thang dẫn lên nhà sàn, có 2 cô gái ăn mặc theo kiểu sơn nữ đang thong thả bước xuống. Họ lễ phép dừng lại cúi chào, chờ tôi qua hẳn rồi mới đi tiếp.
Chớp Mắt tù trưởng đón tôi bằng 3 hồi tù và đầy tráng khí. Thật khó tin, ông lão già cả móm mém, mặc đồ thổ cẩm, đeo kính, đang hít tù và trước mặt tôi lại có một quá khứ huy hoàng trên ngôi vị đế vương của thứ nghệ thuật vừa dân dã vừa hàn lâm, vừa phổ thông vừa huyền bí : nghệ thuật thổi tù và.
50 năm trước, như khởi đầu của mọi người đàn ông vĩ đại khác, Chớp Mắt tù trưởng cũng từng là một đứa bé, mềm oặt và yếu đuối. Nhưng thiên tư của ông bộc lộ rất sớm. Ngay từ năm lên 6 tuổi, ông đã rất thích chơi tù và. Nhỏ quá, chưa đủ hơi để thổi, ông bắt chước người lớn lấy tay nâng nó lên cao và làm ra vẻ như đang thổi:
Nhớ lại thời thơ ấu, tù trưởng rưng rưng cảm động, ông kể :
"Cái gì nó cũng có duyên nợ hết bác ạ! Như tôi gắn bó với tù và từ hồi còn cởi truồng cơ. Thế mà đến hôm nay, đeo kính rồi vẫn không chán, vẫn đam mê không dứt ra được. Có lần nọ, tôi theo bà cụ thân sinh sang nhà ông cậu chơi, thấy ông ấy để một cái tù và trên giường, tôi liền vớ ngay lấy. Mà bấy giờ tôi mới có 6 tuổi thôi, biết gì đâu bác. Tôi cũng chưa thổi được ra thành tiếng, chỉ lấy cái que gõ gõ lên nó. Gõ ở đầu to thì kêu bọp bọp, gõ đầu nhỏ thì kêu cắc cắc. Tôi thích lắm. Cả buổi cứ ngồi gõ tù và, nghe nó kêu "cắc bọp cắc bọp". Bác xem, trên đời này người ta chỉ thổi chứ có ai gõ tù và đâu nhể! Đúng là cái duyên cái nợ đấy bác ạ!"
Bên ngoài cửa sổ của gian nhà sàn là một khung trời xanh thẳm, gợn đôi làn mây trắng mỏng manh. Gió lùa vào từng cơn êm ả. Thấy tù trưởng sắp ứa nước mắt, tôi vội chuyển sang chủ đề khác.
- Nhà bác chắc nhiều tài sản quý, canh phòng nghiêm mật cứ như nhà băng Thụy Sĩ ấy. Khiếp quá!
Tù trưởng cười rổn rảng, khoe đôi hàm răng mạ vàng chói sáng:
- Có gì quý báu đâu bác! Cả đời tôi chỉ mỗi một thú chơi tù và, đi đây đi đó nhiều nên cũng vớ được một số chiếc thuộc loại hàng độc. Bác không tưởng tượng nổi giá trị của những chiếc tù và này đâu. Chẳng hạn như đây là tù và của cụ Darwin. Có người đòi mua với giá 20 triệu đô la, tôi cũng chưa chịu đấy. Để tôi lấy cho bác xem.
Tù trưởng trải một tấm thảm xanh lên bàn, rồi quay sang mở khóa tủ sắt, lấy ra một chiếc tù và, cẩn thận đặt lên mặt thảm:
Vừa vuốt ve chiếc tù và, tù trưởng vừa giải thích:
- Cụ Đắc này ngày xưa máu chơi tù và lắm, thường vào rừng tìm các loại động vật có sừng để làm tù và. Cụ để ý thấy mấy con đực nào có sừng to chắc, khỏe khoắn, mạnh mẽ... thì hay đi cùng với nhiều con cái, nên khó bắt được. Còn mấy con yếu hơn thường bị các con cái bỏ rơi. Từ đó cụ mới nghĩ ra cái gọi là "chọn lọc tự nhiên". Cụ Đắc bẩu là tù và cũng tuân theo quy luật này, những chiếc tù và có phẩm chất kém sẽ bị đào thải. Thế có ghê không bác?
Tôi còn đang kinh ngạc chưa biết trả lời ra sao thì tù trưởng đã kéo tôi về phía chiếc tủ kính nằm trong góc phòng, chỉ vào một cái tù và có dáng hơi thẳng, hiện lên mờ ảo dưới ánh sáng vàng.
- Đây là tù và của cụ Einstein. Cụ Tanh này còn máu chơi tù và hơn cả cụ Đắc. Trước thời cụ Tanh, người ta quan niệm không gian là tĩnh, như cái hộp trống rỗng cất giữ vũ trụ của chúng ta bên trong. Nhưng cụ Tanh nghĩ khác, cụ quan sát chiếc tù và này, thấy nó một đầu to một đầu nhỏ. Cụ liên tưởng rằng nếu không gian là phần rỗng phía bên trong chiếc tù và, còn thời gian là quá trình đi từ đầu nhỏ đến đầu to, thì có nghĩa là sau mỗi thời khắc, không gian mở rộng ra hơn trước. Từ đó cụ mới nảy ra ý tưởng về không gian cong và tính tương đối của thời gian. Bác thấy có ghê không?
Lại một lần nữa, tôi cảm thấy bàng hoàng. Chiếc tù và đơn sơ vậy mà chứa đựng cả những gợi ý thâm viễn nhất về bản chất của vũ trụ.
Tù trưởng lại tiếp:
- Chưa hết đâu. Đây là tù và của cụ Freud. Cái này bác không được chụp ảnh vì nó là hàng lậu, tôi mua của một tay trùm buôn lậu người Cu Ba. Giá không dưới 30 triệu Mỹ kim đâu bác. Nói về cụ Phớt nhé, cụ này quan sát thấy ngay cả khi không đói, trẻ sơ sinh cũng hay đòi ngậm vú mẹ. Từ đó cụ cho rằng thói quen bú mẹ ở trẻ sơ sinh chính là một ám ảnh vô thức bắt nguồn từ thói quen chơi tù và của tổ tiên chúng ta. Khi đứa trẻ lớn lên, ám ảnh vô thức này biến cải sang nhiều dạng khác như : cắn móng tay, ngậm bút, mút kem... chẳng hạn. Chung quy vẫn do nỗi "ám ảnh tù và" mà ra hết. Ám ảnh tù và, cùng với mặc cảm Ơ-díp là hai vấn đề quan trọng nhất trong Phân tâm học của cụ Phớt đấy bác ạ!
Tôi giật mình hỏi lại:
- Thế thì tất cả chúng ta đều có chung cái ám ảnh này hả bác? Sao tôi thấy có rất ít người chơi tù và?
Tù trưởng buồn bã đáp:
- Đấy là tại cụ Karl Marx. Cụ Mác cũng là người thổi tù và chuyên nghiệp. Cụ nhận thấy trong những hình thái xã hội có tư hữu, mỗi cá nhân đều có quyền sở hữu một hay nhiều chiếc tù và của riêng mình. Từ đó mà thường xuyên xảy ra hiện tượng thổi lung tung, mạnh ai nấy thổi, rất lộn xộn bát nháo. Thế là cụ mới đề xuất ra cái gọi là "công hữu tù và". Nghĩa là nhà nước đứng ra quản lý tù và cho người dân, khi nào cần thổi thì phát cho dân, cùng nhau thổi. Thổi xong dân nộp lại, nhà nước cho vào kho cất đi. Kế hoạch này được áp dụng đồng loạt ở rất nhiều quốc gia. Nhưng mà sau cùng thất bại bác ạ. Dân không được thổi tù và tự do nên họ chán, họ quay sang thổi cái khác. Từ đó mà nghề chơi tù và mai một dần.
Nói đến đây, tù trưởng trầm ngâm như rơi vào một niềm hoài cảm sâu lắng. Tôi đang muốn hỏi ông về xuất xứ nghệ thuật thổi tù và, cách chế tạo tù và vỏ ốc, kỹ thuật hít tù và... nhưng đành dừng lại chờ cho cơn xúc động của ông trôi qua.
Hai thanh âm như tiếng gõ vào cánh cửa bằng gỗ khe khẽ vọng ra từ chiếc bàn cổ xưa, phá vỡ không gian trầm lắng. Người nghệ sĩ già giơ lên một cái remote, hướng về phía cửa bấm nhẹ. Cánh cửa từ từ mở rộng. Bốn cô gái trẻ xinh xắn lặng lẽ tiến vào, mang cho chúng tôi một khay trà, vài thứ hoa quả, bánh ngọt và thuốc lá, rồi nhanh chóng lùi ra.
Tù trưởng đã lấy lại khí thế, vừa tự tay rót trà, vừa rung đùi cười bảo :
- Biết bác lạ hơi men quen hơi thuốc nên tôi miễn cho bác món rượu cần.
- Bác chu đáo quá rồi. Tôi tới thăm bác, chả quà cáp gì...
- Chu cái gì mà chu! Bác còn phải ở đây vài ngày để tôi tiếp đãi cho trọn tình. Nhớ năm xưa bốn anh em chúng tôi thảm bại trong tay Phều Phào thi sĩ (1), may gặp được bác trượng nghĩa giúp đỡ, chỉ cho con đường sáng (2), chúng tôi mới có thành tựu ngày nay. Tuy giờ đây ai cũng đường đường anh hùng nhất khoảnh, nhưng ơn tri ngộ nào dám quên...
- Ấy bác chớ có nói vậy, đều là cơ duyên ngẫu hợp cả thôi.
Tù trưởng gật gù, nhẹ giọng buông từng chữ :
- Duyên. Cơ duyên. Đều là cơ duyên. Ngày đó chúng tôi gặp bác, rồi ra Trung Kỳ diện kiến Hàn giang song quái (3), dùng kế khích tướng kéo nhau lên đỉnh Bà Nà luận thơ suốt 99 ngày bất phân thắng bại. Lúc xuống núi cũng không hay mỗi người đều đã đạt tới cảnh giới tối thượng, trong thi đàn tuyệt không còn ai là đối thủ nữa rồi. Ha ha... Tôi muốn thổi tặng bác một khúc tù và, bác đừng từ chối.
Nói xong, không để tôi kịp trả lời, tù trưởng đã vung tay áo đưa tù và lên môi, cái miệng già nua lởm chởm râu mút chặt lấy thân tù và, đầu lưỡi đưa đẩy, buông ra từng chuỗi âm thanh mê hoặc. Khi tỉ tê như trinh nữ gọi tình, khi dập dồn như muôn quân xung trận. Lúc bi thống thì như người hết tiền giữa chợ, lúc sướng vui thì như kẻ gặp gái đi hoang. Dây văn dây vũ thánh thót so vần. Tiếng giốc tiếng thương nỉ non hòa điệu. Tôi lắng nghe say sưa đến xuất thần, nhạc khúc cõi tiên bồng ấy dẫu thiên bút vạn quyển cũng chẳng thể nào tả được.
Ánh tà dương ánh tà dương
Lòng mang tráng chí ngại gì gió sương
Nào cơn binh lửa
Nào mộng bá vương
Gươm đàn hai vai nặng gánh
Ai biết đâu là quê hương
Tang bồng hồ thỉ
Rượu nhạt trăng suông
Văn nghiệp hề lưu danh một thủa
Võ công hề nức tiếng bốn phương
Chỉ gậy lên trời vạch lối
Cắm côn xuống đất mở đường
Khi hứng chí giật phăng lau lách
Lúc đau hồn bẻ quách thần thương
Xa nhau nơi lầu Hạc
Gần nhau giữa vườn Lương
Qua miền cực lạc
Đằm giấc tiêu tương…
Tiếng tù và liên miên bất tuyệt, trong vắt như dòng nước phản chiếu tất cả những gì tinh mỹ nhất của nhân gian, lại dài sâu như năm tháng chứa đựng tất cả những gì chân thực và hợp lý nhất từ quá khứ đến vị lai của vũ trụ. Với riêng tôi mà nói, kể từ thời khắc này, thứ âm nhạc trần tục của các cụ Da, cụ Ven, cụ Banh... không còn đáng để ca ngợi nữa, vì những giai điệu nghèo nàn ấy làm sao sánh nổi với tiếng tù và thiêng liêng mầu nhiệm mà tôi đang được lắng nghe.
Xem chừng đã thấy mỏi mồm, tù trưởng ngừng thổi, trầm tư ve vuốt chiếc tù và đen trũi trên tay, khuôn mặt lạnh tanh như thể bao nhiêu xúc cảm đã trút hết vào trong khúc nhạc vừa rồi. Tôi cũng im lặng nhìn ông. Thật lạ, ông không dùng những ngón tay vuốt ve chiếc tù và, thay vào đó, ông dùng cả bàn tay bao quanh nó, vuốt lên vuốt xuống như các thiếu nữ chơi trò "lộng điểu". Sách có chữ "kì nhân kì hành", quả không sai vậy.
Thấy không khí trầm lắng, tôi đành lên tiếng trước:
- Người trong võ lâm thường hay đặt tên cho binh khí tùy thân. Chẳng hay, bác có đặt tên cho tù và không?
Tù trưởng giật mình ngước nhìn lên, cười đáp:
- Không bác, miễn sướng là được...
- Ý bác là...?
Tù trưởng hơi có vẻ bối rối, nhưng lập tức trấn định, ung dung giải thích :
- Tôi không nghĩ rằng cần phải đặt tên cho những vật này. Danh khả danh phi thường danh bác ạ! Chỉ cần khi múa kiếm hay thổi tù, mình thấy vui vẻ, sảng khoái, phát ra được cái trong mình, ấy là chúng đã hoàn thành bổn phận. Xét cho cùng, cung kiếm tù tiêu chỉ là phương tiện giúp chúng ta giải thoát cái bản ngã chi khí. Bậc cao nhân có thể dùng cành tre thay kiếm hạ sát đối thủ, cũng như tôi có thể dùng một cái chai rỗng mà thổi ra cả một trường ca.
Tôi thầm tán thưởng quan niệm của tù trưởng. Rời khỏi chỗ ngồi, tôi đi quanh phòng quan sát một lượt nữa những chiếc tù và do ông dành cả cuộc đời sưu tập lại. Vật dĩ loại tụ. Những cây danh tù này đã từng nằm trong tay bao nhiêu kỳ nhân thời trước, từng ngân lên bao nhiêu khúc nhạc bi hoan, bây giờ hội tụ cả về đây, chúng có kể cho nhau nghe những cố sự ngày xưa? Darwin, Einstein, Freud, Marx... khi thổi lên những điệu tù của lòng họ, có lúc nào băn khoăn về một cái tên để lưu truyền hậu thế?
Không. Không một dấu hiệu. Không một ấn ký. Vậy mà hậu thế vẫn nhận ra. Thế thì cái tên của tù và có gì là quan trọng.
Nhưng, xin hãy bình tâm mà ngẫm ngợi, phải chăng chúng vẫn có dấu ấn riêng biệt. Đó là dấu ấn của thiên tài mà chúng đã từng thuộc về. Chính người sở hữu chúng đã làm cho chúng trở nên khác biệt và bất tử.
Tôi bỏ luôn ý định hỏi tù trưởng về cách chế tạo tù và. Nếu cái tên của nó đã không quan trọng thì việc làm ra nó như thế nào càng chẳng đáng để một người như ông nghĩ đến.
Bằng tất cả sự ngưỡng mộ, tôi nhìn ông, nói lời tạm biệt:
- Được gặp bác hôm nay, được nghe tiếng tù và trác tuyệt của bác, ấy là điều nhân sinh đắc ý nhất đối với tôi. Tri kỷ tương giao vạn lời nói chẳng nhiều, mà một câu cũng không ít. Năm sau, tôi sẽ lại đến đây cùng bác đàm đạo, những mong bác bảo trọng quý thể.
Tù trưởng lật đật đứng dậy:
- Bác vội đi như vậy chẳng hay tôi tiếp đãi có gì sơ thất? Bác là tiêu khách, chẳng lẽ không cho tôi nghe qua một chút được sao?
- Ấy bác chớ đa tâm, tôi chỉ là muốn trở về để nhanh chóng ghi lại những điều bác nói ra hôm nay cho kẻ sĩ trong thiên hạ cùng hiểu rõ cái tinh tế sâu xa của nghệ thuật thổi tù. Còn chuyện tiêu sáo thì, xin bác lượng thứ, nghe tiếng tù và của bác vừa rồi, tôi nhận ra mình còn chưa hiểu gì về âm luật, thực không dám.
Tù trưởng cười vang, trong tiếng cười ẩn chứa vẻ mãn nguyện không dấu diếm:
- Đã vậy, tôi cũng không nên giữ bác nữa. Để lâu sợ bác quên mất ý nào thì cũng là tổn hại đến cả nền học thuật quốc gia. Xin phép cho tôi được tiễn bác một đoạn...
Mấy chữ "kỳ nhân kỳ hành" lại vọng lên trong tâm trí tôi. Quả thực, kẻ phàm nhân làm sao dám nói ra những lời như tù trưởng vừa nói.
Chúng tôi sánh bước trầm tư dưới ánh nắng chan hòa của buổi chiều Kinh bắc. Tù trưởng thở dài đưa mắt nhìn xa xăm. Tôi vụt dừng lại hỏi:
- Dường như bác đang có điều chi phiền muộn? Nếu không ngại, xin cứ nói ra xem tôi có thể chia sẻ được chăng?
Tù trưởng nặng nề đáp:
- Tôi chỉ có một sự ham muốn, một ham muốn tột bậc, là làm sao cho khắp nước ta ai ai cũng biết đến nghệ thuật thổi tù và, dân ta ai ai cũng được được tự do thổi tù và, đồng bào ta ai ai cũng có tù và để thổi lên mỗi lúc buồn vui. Nhưng xem ra, tôi khó mà thấy được ngày đó.
Tôi vội vàng an ủi:
- Tình yêu của bác đối với tù và thực đáng để người đời ngưỡng mộ. Nhưng vạn vật đều có quy luật tồn tại, và thời gian là dòng sông vô tận sẽ cuốn trôi đi tất cả mọi thứ rác rưởi, hời hợt, chỉ những gì ý nghĩa nhất, hữu ích nhất mới còn lại mãi mãi. Tôi tin rằng nghệ thuật tù và sẽ không bao giờ mai một.
- Cảm ơn bác.
- Nhưng trong ngũ đại thi nhơn, tôi thấy chỉ còn bác là chưa có đệ tử...
- A, chuyện này, tôi hiểu ý bác. Chỉ là nghệ thuật thổi tù và đòi hỏi rất nhiều thiên tư và tâm huyết. Nếu thiếu tâm huyết thì không thể vượt qua quá trình tập luyện gian khổ. Còn như thiếu thiên tư thì không thể nào đạt tới cảnh giới tối cao của Tù Đạo. Tôi cũng đã thử vào Nam ra Bắc mấy phen, mong tìm lấy một truyền nhân, mà chưa gặp được người như sở nguyện.
- Nghe nói bác đã viết ra nhiều sách. Nhưng không chịu xuất bản, là duyên do làm sao?
- Kỳ thực tôi mới hoàn thành được 2 bộ. Bộ thứ nhất có tựa là "Tù và kim cổ luận", khoảng 20 ngàn trang, tôi dành ra 6 năm mới viết xong. Bộ thứ 2 là "Tù và Đông Tây luận", khoảng 14 ngàn trang, mất 8 năm. Nhưng tâm huyết cả đời tôi để vào bộ sách thứ 3, vẫn còn dang dở, là cuốn "Tù và chi đạo", đã viết được 4 ngàn trang. Tù và chi đạo gồm tổng cộng 8 phần, khởi viết từ 10 năm trước, giờ tôi đang soạn phần cuối. Sang năm bác tới thăm, nhất định tôi sẽ cho bác xem cuốn này.
Bút lực và sở học của tù trưởng khiến tôi kinh ngạc. Từ số trang viết của mỗi bộ sách, tôi hiểu rằng ông vẫn luôn không ngừng trau dồi, nghiên cứu học thuật. Các trước tác của ông ngày một đạt tới sự cô đọng, tinh túy. Tôi gạn hỏi:
- Vậy sao bác không xuất bản?
- Chuyện này liên quan đến một người sư đệ của tôi. Có dịp tôi sẽ trần tình với bác.
Nghe tù trưởng nói vậy, tôi đành bỏ cuộc, không tìm hiểu thêm nữa.
Trước mặt chúng tôi hiện ra một con dốc đổ dài xuống dưới. Xe ngựa chờ sẵn trên triền dốc. Tù trưởng dừng lại, rút chiếc tù và đeo bên hông, đưa lên cười nói :
- Hậu hội hữu kỳ. Để tôi dùng tiếng tù và tiễn bác.
- Hẹn ngày tái ngộ.
Tiếng tù và dìu dặt vang lên, theo gió núi xa bay, len lỏi vào từng nhành cây ngọn cỏ. Không gian bừng lên một làn sinh khí tươi mới. Tôi thong thả bước xuống theo lối mòn thoai thoải. Tiếng tù và bỗng trở nên rền rĩ như muốn nhấn chìm khung cảnh trong một niềm ly biệt thê lương.
Đến sát cỗ xe ngựa, tôi ngoảnh đầu nhìn lên đỉnh dốc. Tù trưởng thẳng đứng. Dưới mây trời bát ngát mênh mông. Tôi bỗng thấy ông như to ra, như vĩ đại lên hơn hẳn lúc bình thường.
Tiếng tù và vẫn âm vang khắp núi rừng sông suối. Thực là:
Dưới trời ai sánh tài hoa
Trăm năm một tiếng tù và lãng du