Trong quá trình tương tác giữa con người với con người, khó tránh khỏi những mâu thuẫn về quan điểm hay quyền lợi. Để giải quyết những mâu thuẫn này, chúng ta có thể tranh luận hoặc là thương lượng.

Figure 1

Nếu như thương lượng nhằm tìm đến thỏa thuận chung giữa các bên đối lập trên cùng một vấn đề gây mâu thuẫn thì tranh luận lại đào sâu vào những khác biệt trong cách đánh giá vấn đề của mỗi bên, từ đó tìm ra chân lý thuộc về bên nào.

Có thể thấy rằng tranh luận mang tính hơn thua nhiều hơn. Tranh luận là cuộc chiến giữa Sai và Đúng, chỉ có một bên dành thắng lợi cuối cùng, đó là bên chứng minh được mình nắm giữ chân lý. Bên kia phải chịu thất bại và trở thành đại diện cho cái Sai. Ngược lại, thương lượng dung hòa những quyền lợi sao cho các bên tham gia đều thỏa mãn, đều cảm thấy mình được chứ không mất. Sau một cuộc thương lượng thành công, tất cả các bên đều mỉm cười chiến thắng.

Trong cái nhìn của một nhà thương thuyết giỏi, không có gì là không thể thương lượng. Khi chúng ta quyết định tìm đến giải pháp thương lượng, có nghĩa rằng chúng ta đều giả định vấn đề là có thể thương lượng được, nếu không, việc thương lượng đã không được đặt ra. Còn với các nhà tranh biện bậc thầy, mọi lý lẽ đều có khe hở, không có lập luận nào hoàn toàn chính xác và dĩ nhiên, chúng đều có thể bị bắt bẻ. Cả tranh luận và thương lượng đều đã được nâng lên đến tầm nghệ thuật.

Thực tế cuộc sống cho thấy thương lượng và tranh luận không tách rời mà thường đan xen vào nhau. Chẳng hạn việc giải quyết mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề biển Đông. Một mặt, các cuộc thương lượng trên bình diện quốc gia vẫn được xúc tiến để tìm tiếng nói chung sao cho mỗi bên đều thu được lợi ích, đồng thời tránh làm căng thẳng thêm quan hệ hai nước. Một mặt khác, vô số tranh luận về những bằng chứng lịch sử và những điều luật quốc tế về lãnh hải vẫn diễn ra hàng ngày để chứng minh quyền sở hữu hợp pháp thuộc về phía nào.

Dù không chủ ý, trong tranh luận luôn ẩn chứa cơ hội để thương lượng, và trong thương lượng luôn tiềm tàng nguy cơ phát sinh tranh luận. Thu hẹp trên bình diện cá nhân, người có thái độ sống ôn hòa, khoan dung thường mẫn nhuệ trong việc nắm bắt mẫu số chung giữa các bên trong khi tranh luận, bám lấy nó để đẩy tiến trình tranh luận hướng về một kết cục nhẹ nhàng không để bên nào phải tổn thương; còn những người tự cao tự đại, hiếu chiến hiếu thắng lại có thói quen biến các cuộc thương lượng thành một tập hợp của những tranh luận bột phát, đó là do họ bẩm sinh nhạy cảm với sự khác biệt giữa các luồng quan điểm và hơn nữa là do cái tôi quá lớn của họ che khuất tầm nhìn về điểm chung có thể có.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi từng sử dụng một nickname là negociator. Ở nơi tôi có một con - người - thương - lượng. Tôi thích thương lượng hơn là tranh luận. Thế còn bạn?