Thực tế và mơ mộng, bi quan và lạc quan, bò và gấu... đó là những cặp đối lập thường thấy trong cuộc sống và thị trường tài chính. Đang khi quan sát BTC lên đỉnh mới, chứng khoán VN dò đáy và giá vàng điều chỉnh, tôi có vài chỗ hiểu ra nên ghi lại đây.

Trước hết ta nói về thực tế và mơ mộng. Có một chuyện cười thế này.

Holmes và Watson cùng nhau đi cắm trại. Ban đêm khi tỉnh giấc với ánh lửa trại gần đó, Holmes hỏi:

- Watson, nhìn lên và cho tôi biết những gì anh đang thấy?

Watson đáp:

- Tôi nhìn thấy một bức tranh tuyệt đẹp của các vì sao.

- Vậy chúng nói với anh điều gì?

- Thiên văn học gợi ý cho tôi về hàng tỷ thiên hà trong vũ trụ với số lượng sao dày đặc như trong thiên hà của chúng ta. Và trong những thiên hà đó là hàng tỷ tỷ ngôi sao với tỷ tỷ hành tinh của chúng. Ở đó có thể có sự sống và có thể có những sinh vật cũng thông minh như chúng ta. Là một người có đức tin, tôi còn cho rằng sự rộng lớn vô tận của không gian gợi ý cho chúng ta sự tồn tại và vĩ đại của Chúa trong khi chúng ta thì thật nhỏ bé. Độ sáng của các ngôi sao lúc này cũng cho tôi đoán biết rằng thời tiết ngày mai sẽ rất đẹp cho chuyến cắm trại của chúng ta.

- Anh thật ngây thơ bạn của tôi ạ!

- Vậy sao, hãy cho tôi biết anh thấy những gì thưa ngài Holmes?

- Điều duy nhất tôi thấy lúc này là có kẻ nào đó đã lấy cắp chiếc lều của chúng ta!

Holmes & Watson

Trong câu chuyện hài hước này, Watson có vẻ thật tức cười. Anh mải mê nhìn ngắm trời sao mà quên để ý cái lều vừa che cho anh ngủ đã biến mất tự bao giờ. Holmes, một người nổi tiếng thực tế, nhìn thấy ngay sự bất thường.

Nhưng hầu hết chúng ta đều giống như Watson, dễ dàng bị cuốn hút vào những gì hấp dẫn, sinh động nhất trước mặt, mà quên rằng, đó chỉ là 1 phần của thực tại, cái phần liên quan rất ít đến cuộc đời ta. Ví dụ một nhóm nhạc Hàn Quốc sang biểu diễn, một người nổi tiếng live stream chửi một người nổi tiếng khác, dăm ba trào lưu kỳ quặc trên mạng đang được rất nhiều người làm theo... Chúng ta bỏ công bỏ việc để theo dõi, hóng hớt, đu theo trend, bình phẩm, hùa theo bên này, nói đỡ bên kia... và thấy rất vui. Đúng là vui thật, vì chúng giúp ta quên đi những nỗi lo sát sườn. Bài thi học kỳ ngày mai chuẩn bị đến đâu rồi? Năm sau ta sẽ làm nghề gì để mưu sinh? Gia đình thúc giục góp tiền làm giỗ ông cố nội. Khách hàng đang chờ nhận được sản phẩm... Từng giờ, từng ngày quý giá của chúng ta đang trôi qua. Chúng ta không cải thiện được kỹ năng nào của bản thân, không học thêm được gì mới, không tích lũy được thêm chút tài sản nào cả.

Nhưng thực tế quá cũng không hẳn là tốt. Nhìn ngắm một bầu trời đầy sao và suy tư đến những thiên hà xa xôi cũng là một trạng thái tinh thần cao nhã, giúp ta khai mở những tầng sâu của nội tâm và trí tuệ. Sẽ rất vô vị nhạt nhẽo nếu tâm hồn ta không rung lên nốt nhạc nào khi tình cờ đi trên một con đường mờ sương vắng lặng hiu hắt ánh đèn vàng, khi một cơn gió sớm mai êm ả dịu mát chạm vào da thịt, hay lúc trưa hè nóng bức nghe từng đợt tiếng ve râm ran...

Đạo học phương Đông chú trọng ở tính cân bằng, không thái quá cũng không bất cập, giữ chừng mực vừa đủ thì mọi thứ đều tốt đẹp cả.

Giờ chuyển sang vấn đề bi quan và lạc quan. Tôi mới đọc được 1 câu rất có ý nghĩa:

Người bi quan phàn nàn về cơn gió; người lạc quan chờ đợi gió đổi chiều; người thực tế điều chỉnh lại cánh buồm.

Thực là một hình ảnh ví von sinh động. Con người đi trong cuộc đời, từ lúc sinh ra đến lúc chết đi, cũng giống như một hành trình trên biển, có lúc sóng yên gió lặng, có lúc sóng to gió lớn, mà cái đích thì mơ hồ xa xôi, nhìn về hướng nào cũng không thấy bến bờ. Trong cơn giông bão làm cho con thuyền cuộc đời ta chao đảo, nếu ta chỉ biết phàn nàn, than thở, trách móc cơn bão, thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả, mà chỉ tăng thêm khổ sở, ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Thuyền nhỏ trong cơn bão

Nếu ta bỏ mặc cơn bão 1 bên, tiếp tục vui vẻ tận hưởng phần thức ăn nước uống còn lại, chờ cơn bão qua đi thì sao? Đúng là sẽ không có cơn bão nào kéo dài mãi, nhưng liệu con thuyền có an toàn đến phút chót? Tinh thần lạc quan như vậy tuy giúp ta bớt phần nào cảm giác tuyệt vọng, đỡ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người xung quanh, nhưng không giúp cải thiện tình hình khó khăn trước mặt. Đó là trốn tránh, bịt tai trộm chuông mà thôi.

Chỉ có người suy nghĩ thực tế, giữ được thái độ bình thản, đánh giá đúng tình huống, biết điều chỉnh cánh buồm, nương theo hướng gió, tránh luồng sóng dữ, mới giúp cho con tàu sống sót qua cơn hiểm nguy. Dùng hành động mà trấn an đồng đội, không oán trời trách đất, không than vãn số phận, không cần hát to lên để át đi nỗi sợ, cứ im lặng mà làm những việc phải làm. Đó là kiểu người đáng trân trọng nhất dù trong phạm vi gia đình, hay tổ chức, xã hội. Nếu nhà bạn có một người như thế, xin chúc mừng. Nếu công ty bạn có một người như thế, anh/chị ta xứng đáng một vị trí lãnh đạo.

Người như vậy nếu tham gia vào thị trường tài chính cũng sẽ thành công. Trong lúc khủng hoảng, suy thoái, họ sẽ không sợ hãi, mà ung dung điều chỉnh lại danh mục đầu tư, bình tĩnh nắm bắt cơ hội. Lúc thị trường tăng trưởng, họ cũng không tham lam, mà thận trọng quan sát, chuẩn bị các kế hoạch exit.

Thế giới đầu tư có 1 câu khá hay: "Bò kiếm được tiền, gấu cũng kiếm được tiền, nhưng lợn thì bị giết thịt!"

Bulls make money, bears make money, but hogs get slaughtered.

Sự thật đúng là vậy. Lên thì long, xuống thì short. Xuống là cơ hội gom hàng giá rẻ. Lên là cơ hội chốt lời. Lúc nào cũng có cơ hội trong thị trường. Chỉ là hầu hết các nhà đầu cơ đầu tư cứ loay hoay giữa Fear và Greed, liên tục mua vào bán ra. Cuối cùng bị KOLs lùa như gà vịt, bị MM xơi tái. Tôi quan sát trong các trang web và nhóm đầu tư crypto, stock trên Telegram, Twitter, FireAnt... hầu như chỉ nghe tiếng la ó, khóc than, chửi bới. Họ chửi dự án, chửi sàn, chửi SEC, chửi FED, chửi UBCK, chửi thị trường, chửi nền kinh tế... Điều này cho thấy có rất nhiều người bi quan đang phàn nàn về cơn gió.

Bulls, bears & hogs

Nhưng những người lạc quan trông đợi gió đảo chiều cũng thua lỗ không kém. Họ thường vội vàng bắt đáy khi chưa hết nhịp điều chỉnh, và thường không chịu chốt lời dù đã x5, x6 vì tin rằng sẽ phải x50, x60. Sóng gió thị trường còn khó đoán hơn sóng gió ở đại dương, vì có yếu tố con người can thiệp vào. Người ta có thể dự đoán chính xác hướng đi của một cơn bão, nhưng không thể dự đoán thị trường tài chính lên xuống, vì đám đông có xu hướng hành động theo dự báo, dẫn đến tác động vào kịch bản dự báo.

Mà thị trường tài chính lúc nào cũng có bão tố. Khi porforlio của chúng ta bị lắc lư chao đảo thì bi quan hay lạc quan đều không đem lại kết quả tốt. Chỉ có nhìn thẳng vào thực tế bằng cái nhìn bình thản lạnh lùng thì mới có cơ may vượt qua được sóng gió thị trường.

Vậy xâu chuỗi tất cả các ý trong bài tạp luận này là gì? Tôi cho rằng, dù là trong cuộc sống thường nhật hay khi tham gia đầu tư, chúng ta cũng phải kiểm soát được tâm lý và hành vi của mình, thực tế nhiều vào, mơ mộng ít thôi, không bi quan không lạc quan, không sợ bò, không sợ gấu, và đừng biến mình thành lợn để kẻ khác giết thịt.

Ban đầu việc này sẽ đòi hỏi lý trí phải gắng sức vất vả đấy. Nhưng ta cứ kiên nhẫn từng ngày từng giờ nuôi dưỡng, nó sẽ hình thành thói quen và phản xạ tự nhiên, sau cùng sẽ lắng sâu vào cốt cách con người ta, trở nên một phong thái đặc trưng. Đó là lúc ta đến gần với Đạo.